[Mẹo trước khi sinh] Mẹ cần chuẩn bị gì để vượt cạn thuận lợi?
Càng gần đến ngày dự sinh, mẹ bầu thường có tâm lý lo lắng, sợ hãi khi chuẩn bị cho cuộc sinh nở. Vậy mẹ cần chuẩn bị gì để vượt cạn thuận lợi? Bài viết sau đây sẽ đưa ra một số lời khuyên hữu ích giúp mẹ bầu không còn bỡ ngỡ, lúng túng cho ngày dự sinh cận kề.
1. Tìm hiểu thật kỹ về quá trình “vượt cạn”
Mẹ bầu có thể hỏi tư vấn của chuyên gia hoặc tham gia các lớp học tiền sản để được cung cấp nhiều kiến thức về quá trình sinh nở. Tại các lớp học này, mẹ sẽ được truyền đạt kinh nghiệm về cơn chuyển dạ, những chú ý quan trọng cần nhớ, dấu hiệu cần nhập viện, hướng dẫn cách thở và lấy sức khi sinh,…
Mặc dù việc sinh đẻ thực tế có thể không giống như hướng dẫn hay mô tả trong sách. Nhưng mẹ cũng nên tìm hiểu kỹ về các tình huống có thể xảy ra, từ đó mẹ sẽ có kiến thức nền tảng để ứng phó và vượt cạn thuận lợi hơn.
Hiểu rõ về quá trình vượt cạn giúp mẹ yên tâm hơn khi sinh nở
2. Chuẩn bị tâm lý thoải mái
Lo lắng, sợ hãi là tâm lý chung của đa số mẹ bầu trước khi sinh, đặc biệt đối với mẹ sinh con lần đầu. Toàn bộ quá trình sinh thường diễn ra từ 8 – 18 giờ đồng hồ. Để vượt qua quá trình chuyển dạ, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng sức khỏe và tinh thần. Vì vậy càng gần ngày sinh mẹ càng nên chuẩn bị tâm lý thật tốt.
Để giảm bớt lo âu, mẹ có thể nghỉ ngơi thư giãn, suy nghĩ về những điều vui vẻ, tích cực. Đặt lòng tin vào bản năng làm mẹ của mình, vào đội ngũ bác sĩ và người thân, điều này sẽ giúp mẹ có một tâm lý ổn định, thoải mái hơn trước khi sinh. Nếu có thể mẹ cũng hãy tham khảo kinh nghiệm của người đi trước để có người chia sẻ, trấn an tâm lý.
3. Chuẩn bị giỏ đồ sinh từ sớm
Ngoài việc sẵn sàng về tâm lý thì việc chuẩn bị đầy đủ về đồ đi sinh cần thiết cho mẹ bầu cũng giúp mẹ giảm lúng túng, bỡ ngỡ trước khi vượt cạn. Các đồ dùng như quần áo, sữa, tã dán không hăm, đồ cho mẹ… đều cần chuẩn bị trước để không bị sót khi đi sinh.
Đồ cần chuẩn bị thì khá nhiều, về cơ bản thì mẹ bầu và người thân trong gia đình cần ghi nhớ 3 nhóm đồ dùng cần thiết sau:
- Giấy tờ cần thiết cho việc sinh nở: Mẹ cần đem theo căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám thai, giấy siêu âm, giấy hẹn khám,…
- Đồ dùng cho mẹ bầu: Các vật dụng mà mẹ cần sử dụng: Đồ lót, băng vệ sinh, tấm lót chống thấm, tất chân, áo khoác ấm, một ít quần áo,… Mẹ nên chuẩn bị trước để tránh bối rối khi cần dùng đến.
- Giỏ đồ sơ sinh: Một số món đồ cần thiết được liệt kê: quần áo ấm, tất tay, tất chân, khăn sữa, mũ, tã bỉm, miếng lót,… Mẹ bầu nên chuẩn bị và lựa chọn kỹ, mẹ có thể tham khảo mua bỉm sơ sinh loại nào tốt, đồ dùng nào thật sự cần thiết cho bé để tránh tâm lý mua rất nhiều đồ dùng, đồ sơ sinh, nhưng khi chuẩn bị đồ đi sinh, mẹ lại không biết nên chọn món nào.
Mẹ hãy lập danh sách để chuẩn bị đồ đi sinh nở cần thiết từ sớm
4. Vận động vừa sức
Mẹ bầu trước khi sinh nên thư giãn kết hợp với vận động nhẹ nhàng. Việc này giúp khí huyết trong cơ thể lưu thông làm giảm bớt đau đớn, co thắt tử cung đều đặn giúp chuyển dạ nhanh và sinh bé thuận lợi hơn.
Mẹ bầu có thể tham khảo các bài tập Yoga, các khóa tập Squat cho bà bầu. Tuy nhiên hãy đảm bảo mẹ luôn được hướng dẫn bởi chuyên gia hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp.
5. Massage
Khi mang thai, đặc biệt là bước vào thời điểm 3 tháng cuối, thai nhi phát triển lớn có thể gây chèn ép khiến cơ thể mẹ mệt mỏi, đau nhức. Vì vậy một số hình thức như massage có thể giúp mẹ giảm bớt cảm giác nặng nề, khó chịu.
Massage theo liệu trình dành riêng cho bà bầu giúp đem lại cảm giác thư giãn, giảm căng cơ, chuột rút, làm dịu cơn nhức mỏi cơ thể. Không chỉ vậy, massage bụng bầu còn đem lại lợi ích cho sự phát triển thai nhi.
Mẹ bầu nên lựa chọn cơ sở uy tín, chuyên viên massage có kinh nghiệm và liệu trình massage phù hợp. Đồng thời mẹ cần lưu ý dừng massage nếu cơ thể cảm thấy những bất thường như chóng mặt, khó chịu, buồn nôn,…
Massage giúp mẹ thư giãn, giảm căng thẳng trước sinh
6. Tập thở
Hít thở đúng kỹ thuật có thể giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng, kiểm soát cơn đau và giúp quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ hơn. Mẹ bầu có thể bắt đầu thực hành luyện tập hít thở khoảng 8 tuần trước ngày dự sinh.
Mẹ có thể luyện tập kỹ thuật thở phù hợp với mình. Thông thường trong giai đoạn đầu chuyển dạ, nhịp thở chậm, hít sâu. Sau đó khi có cảm thấy cơn đau nhịp thở nhanh dần và thở nông hơn, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Khi kết thúc cơn đau, mẹ nên thở chậm lại, hít thở sâu và thư giãn để lấy năng lượng.
Tuy rằng khi sinh không có cách thở nào là hoàn toàn phù hợp. Mẹ hãy lắng nghe cơ thể và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi nhất.
Trên đây là một số mẹo giúp mẹ bầu chuẩn bị sẵn sàng trước khi sinh. Hy vọng qua bài viết mẹ bầu và người thân trong gia đình có được nhiều thông tin hữu ích và có thể chuẩn bị thật tốt để đón bé yêu chào đời.